Nếu trước đây, quan niệm về làn da đẹp là hồng hào, trắng khỏe thì ngày nay, vẻ đẹp của làn da còn được đánh giá trên nhiều phương diện và có sự thay đổi rất nhiều. Và bụng là khu vực hay gặp tình trạng này nhất, gây nên rất nhiều tự ti vì thường rạn da bụng khiến chị em ngại khoe body, cảm thấy mặc bikini không đẹp.
Da phải khỏe, phải hồng hào, màu sắc tùy thuộc theo sở thích, không mắc bệnh lý, không có nhiều lông và không có quá nhiều vết rạn da bụng. Việc sở hữu cho mình một làn da đẹp có ý nghĩa vô cùng lớn giúp chị em phụ nữ trở nên tự tin hơn trong cuộc sống. Chưa kể đến các vấn đề khác, chỉ rạn da thôi cũng đã khiến các chị em đau đầu. Vậy làm thế nào để điều trị và khắc phục rạn da bụng? Hãy cùng phòng khám Dr Định Y Dược đi tìm hiểu nhé!
1. Tổng quan về da và các phần phụ của da
Đầu tiên, trước khi tìm hiểu về rạn da bụng chúng ta hãy điểm qua vài thông tin về cấu tạo của da và các phần phụ của da. Da của chúng ta được cấu tạo từ ba lớp, đi từ ngoài vào trong bao gồm lớp thượng bì, trung bì và hạ bì.
Thượng bì là phần ngoài cùng của da. Nó được chia làm năm lớp nhỏ hơn là: lớp đáy, lớp gai, lớp hạt, lớp sáng và lớp sừng. Thượng bì là nơi tiếp xúc của cơ thể đối với môi trường bên ngoài, nó có tác dụng bảo vệ cơ thể, tránh các tác nhân gây bệnh xâm nhập như virus hay vi khuẩn. Chúng còn có tác dụng duy trì độ ẩm nhờ tiết mồ hôi và bã nhờn, đồng thời cũng chống tác động của tia cực tím ảnh hưởng lên cơ thể.
Đi vào sâu hơn là lớp trung bì. Đây là nơi trú ngụ của hệ thống thần kinh, động mạch, tĩnh mạch và bạch huyết của da. Trong trung bì có các tế bào xơ, đây chính là các tế bào đảm nhận hình thành nên sẹo ở da khi có các tổn thương.
Cuối cùng là hạ bì, phần sâu nhất của da và liền kề với cân, màng xương… Hạ bì là tổ chức đệm đã biệt hóa thành tổ chức mỡ có tác dụng nâng đỡ da.
Da còn có rất nhiều thành phần phụ đi kèm với nó như thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến bã và nang lông, móng. Các phần phụ của da này giúp da đảm nhận các chức năng như điều hòa thân nhiệt, cảm giác, bảo vệ, chuyển hóa và cả làm đẹp.
2. Rạn da bụng là gì?
Rạn da bụng hay bất kỳ da vùng nào là tình trạng da bị co giãn nhanh gây đứt gãy các collagen và elastin – thành phần nâng đỡ tổ chức da.
Các vết rạn da ban đầu sẽ có màu đỏ, sẫm màu ở một số người có thể có hiện tượng ngả màu thâm, nâu hình răng cưa. Các vết rạn da ban đầu có thể hơi gồ lên trên da của bạn và gây ngứa. Sau đó các vết rạn da này sẽ chuyển màu dần và trở lên trắng hơn, chìm xuống, khi sờ vào hơi lõm, không biến mất trên da.
Rạn da có thể được coi là một hình thái sẹo của da. Do tổn thương sẹo thường là tổn thương vượt qua thượng bì, đến trung bì và hạ bì của da, vượt qua lớp sinh sản của tế bào đáy ở thượng bì, làm đứt gãy cấu trúc collagen và elastin nên rạn da sẽ không biến mất.
3. Rạn da bụng thường do nguyên nhân gì, hay gặp ở những đối tượng nào?
Rạn da là tình trạng có liên quan trực tiếp và chịu sự ảnh hưởng rất lớn của nồng độ nội tiết tố trong cơ thể, da bụng cũng không ngoại lệ. Có thể nói rằng sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên rạn da.
Sự ảnh hưởng của các hormone trong tuổi dậy thì, thời kỳ mang thai hay trong các bệnh lý là nguyên nhân gây rạn da. Cũng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng phần nào lên việc rạn da. Một số hoạt động khiến da phải căng giãn quá mức cũng là nguyên nhân gây nên rạn da.
Các đối tượng chịu sự thay đổi của nội tiết tố, hoạt động căng giãn da nhiều là các đối tượng có khả năng bị rạn da. Có thể kể đến như:
- Thanh thiếu niên trong tuổi dậy thì
- Phụ nữ mang thai
- Giảm hoặc tăng cân quá nhanh
- Sử dụng corticoid kéo dài
- Hội chứng Cushing
Ở cơ thể người bình thường, vết rạn da có chiều dài khoảng vài centimet và chiều rộng khoảng 1-10mm. Tuy nhiên, nếu vết rạn da xuất hiện trên cơ địa bệnh nhân bị hội chứng Cushing, sử dụng corticoid kéo dài sẽ có độ rộng và chiều dài lớn hơn.
>> Xem thêm: Cách Trị Rạn Da Sau Sinh
4. Điều trị rạn da bụng như thế nào?
Nhìn chung rạn da ở bất kỳ vùng nào kể cả da bụng là một tình trạng không gây nguy hiểm đối với cơ thể của chúng ta. Tuy nhiên, nó lại gây ảnh hưởng rất lớn đối với thẩm mỹ. Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta không chỉ cần khỏe mà còn cần cả đẹp.
Những vết rạn da bụng gây nên tình trạng thiếu thẩm mỹ, mất tự tin cho rất nhiều người. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng về tình trạng rạn da của mình. Với sự phát triển của y học hiện đại, có rất nhiều phương pháp điều trị rạn da được áp dụng hiện nay. Các phương pháp có thể kể đến như:
4.1 Sử dụng các loại thuốc thoa tại chỗ
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc thoa dùng để điều trị rạn da. Các loại thuốc này có thể có dưới dạng kem, gel, lotion… thành phần chủ đạo là acid hyaluronic, retinol, và tretinoin. Các thành phần này có tác dụng làm phục hồi da, hàn gắn các liên kết collagen và elastin bị bẻ gãy.
Tuy nhiên, hiệu quả của các loại thuốc bôi tại chỗ này thường thấp. Thông thường tác dụng của các loại thuốc bôi tại chỗ chỉ có tác dụng khi các vết rạn mới xuất hiện. Khi thoa các loại thuốc này bạn cần kết hợp với các động tác massage để đạt hiệu quả tốt nhất.
4.2 Mài da vi điểm (Microdermabrasion)
Mài da vi điểm là một trong những phương pháp mới được áp dụng trong điều trị rạn da. Phương pháp này dùng một dụng cụ có bề mặt bào mòn để nhẹ nhàng loại bỏ lớp bề dày sừng hóa của da và làm trẻ hóa làn da.
Khi được áp dụng trong điều trị rạn da, dụng cụ này giúp loại bỏ tế bào chết trên bề mặt vết rạn, làm cho vết rạn trở lên phẳng hơn và làm màu sắc gần về với màu sắc vùng da xung quanh nhất. Tuy nhiên, cần biết rằng tổn thương của vết rạn không đơn thuần chỉ nằm ở bề mặt thượng bì và có thể bong tróc giống như tế bào chết.
Do đó, đây là phương pháp điều trị hỗ trợ khiến vết rạn mờ đi mà thôi. Mài da vi điểm cũng không có lợi thế đối với da bụng, nó tỏ ra hiệu quả hơn đối với các vùng da nhỏ, ít vết rạn như da mặt.
4.3 Liệu pháp sóng tần số (Radiofrequency Devices)
Sóng tần số là loại sóng thường được sử dụng trong vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Khi phát hiện những ưu điểm tuyệt vời của nó là tăng khả năng nuôi dưỡng mô, tăng tưới máu, oxy và chất bảo vệ mô, sóng tần số cũng đã được áp dụng để điều trị rạn da.
Tổn thương chủ đạo của rạn da là đứt gãy các liên kết collagen, sóng tần số đã hỗ trợ tạo ra những liên kết collagen mới, sự gia tăng các sợi collagen đã giúp hồi phục các tổn thương của rạn da, vết rạn da nhỏ dần và trở lên giống với màu da hơn, đặc biệt cả với những màu da sẫm. Có một nghiên cứu chỉ ra rằng khi sử dụng sóng tần số điều trị rạn da, có đến 89% bệnh nhân có cải thiện tốt. Phương pháp này hứa hẹn sẽ trở thành phương pháp điều trị rạn da chủ đạo trong tương lai.
>> Xem thêm: Các Phương Pháp Điều Trị Rạn Da Không Cần Phẫu Thuật
4.4 Lột da hóa học (Chemical peels)
Lột da hóa học trước đây thường dùng để điều trị nếp nhăn và đồi mồi trên da. Ngày nay, lột da hóa học còn được dùng để điều trị rạn da. Ưu điểm của lột da hóa học là lột bỏ da chết, các tổn thương do rạn da gây ra, dần dần khiến cho vết rạn biến mất.
Các chất hóa học thường dùng để điều trị rạn da là alpha-hydroxy acid, glucolic acid và phenol. Chúng có tác dụng đốt cháy các tổn thương thượng bì và vào sâu hơn nữa là trung bì. Tuy nhiên, do điều trị bằng phá hủy chứ không phải là nuôi dưỡng và tái tạo, các chất hóa học này làm vùng da của bạn yếu hơn rất nhiều. Vùng bụng cũng rất ít khi áp dụng được phương pháp này.
4.5 Laser trị liệu
Trong các phương pháp điều trị rạn da, laser là phương pháp đang ngày một trở nên phổ biến. Có rất nhiều loại laser được sử dụng để điều trị rạn da và phổ biến nhất là laser nhuộm xung.
Laser nhuộm xung được sử dụng phổ biến vì thời gian điều trị của nó kéo dài, giúp thay đổi sắc tố da từ đó khiến vết da vùng rạn giống màu da thông thường hơn. Tuy nhiên, tác dụng của laser nhuộm xung thường phù hợp với những vết rạn mới và tỏ ra kém ưu thế ở các vết rạn lâu năm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng loại laser này “không ăn thua” khi phải đối mặt với vết rạn do thai nghén gây ra.
Tùy thuộc vào số vết rạn, tuổi của vết rạn mà thời gian điều trị bằng laser sẽ khác nhau. Tuy nhiên, sau điều trị bằng laser trên da của bạn có thể xuất hiện các vết phồng rộp màu đỏ. Yên tâm là chúng sẽ nhanh chóng biến mất sau vài ngày mà thôi.
4.6 Quang nhiệt phân đoạn (Fractional Photothermolysis)
Quang nhiệt phân đoạn cũng là một phương pháp điều trị rạn da được xếp vào nhóm laser nhưng có khả năng tái tạo vô cùng tốt. Theo phê chuẩn của FDA, nó đã và đang được áp dụng để điều trị rất nhiều bệnh lý của da như nếp nhăn quanh mắt, sẹo do mụn, sẹo phẫu thuật, đồi mồi, sạm da do nắng, rối loạn sắc tố da và bây giờ là cả rạn da.
Quang nhiệt phân đoạn tạo ra phản ứng giúp loại bỏ các collagen đứt gãy không có khả năng hồi phục và kích thích quá trình sản sịnh tạo ra các liên kết collagen mới trong vết rạn. Từ đó khiến cho các vết rạn có khả năng phục hồi, dần dần sẽ trở lên mờ và gần giống với da vùng xung quanh hơn. Theo các nhà khoa học, hiệu quả của quang nhiệt phân đoạn vô cùng dễ thấy, các vết rạn của bệnh nhân trở lên mờ và nhỏ dần một cách rõ rệt sau mỗi lần điều trị.
4.7 Phẫu thuật
Tất cả các phương pháp trên đều là phương pháp giúp cho vết rạn da trở lên mờ đi, gần với da khu vực khác nhất có thể. Tuy nhiên, nó không để điều trị triệt để vết rạn da và hiệu quả còn phụ thuộc vào từng đối tượng, cơ địa của từng người.
Phương pháp điều trị triệt để nhất, trả lại vùng da hoàn toàn là vùng da bình thường, không còn vết rạn là phương pháp phẫu thuật, giúp vết rạn biến mất một cách vĩnh viễn cho dù đó có là vết rạn lâu năm đến đâu.
Phẫu thuật được áp dụng trong các trường hợp bệnh nhân bị rạn da bụng nhiều, ảnh hưởng đến thẩm mỹ đó chính là phẫu thuật tạo hình thành bụng. Chúng ta đều biết khi bị rạn ở bụng, các vết rạn thường phân bố ở khắp bụng nhưng chủ yếu là ở vùng bụng dưới rốn.
Phẫu thuật tạo hình thành bụng sẽ giúp loại bỏ đi các vết rạn, sau đó bác sĩ sẽ kéo da ở vùng khác đến để che phủ vùng da bị lấy đi. Phẫu thuật này đã được thực hiện phổ biến trong nhiều năm gần đây, cho hiệu quả cao, ít biến chứng và người bệnh không mất quá nhiều thời gian nằm viện.
Tuy nhiên, phẫu thuật cũng bộc lộ các điểm yếu khi điều trị rạn da. Đó là trong vùng da quá nhiều vết rạn, diện tích rạn rộng thì việc phẫu thuật sẽ trở lên hạn chế do không đủ vùng da lành để che phủ. Một số trường hợp phẫu thuật sẽ để lại sẹo và bạn phải đối mặt với một số biến chứng như nhiễm trùng.
>> Xem thêm: Cách Khắc Phục Da Bị Chùng Nhão, Bị Thừa
5. Rạn da bụng, làm gì để phòng tránh?
Phòng bệnh vẫn luôn hơn chữa bệnh, có rất nhiều cách để có thể phòng ngừa xuất hiện rạn da. Các nhà khoa học khuyến cáo rằng, hiệu quả của các phương pháp phòng ngừa như bôi dầu ô liu, sử dụng kem chống rạn hay vitamin E không được đánh giá cao. Bởi lẽ rạn da xuất hiện vì lý do gì? Sự thay đổi nội tiết tố, sự tăng lên quá mức của cân nặng, da phải căng dãn nhiều hơn bình thường… Các phương pháp bôi thoa không thể đánh vào nguyên nhân vấn đề.
Dù vậy, các cách bôi thoa kia cũng trợ giúp phần nào cho quá trình phòng tránh rạn da vì nó giúp da tăng độ đàn hồi và chịu lực tốt hơn đối với sự co kéo.
Mang thai luôn là khoảng thời gian khiến nhiều mẹ bầu stress vì rạn da bắt đầu “hành động”, khiến cho bụng bị rạn. Nhiều mẹ còn đau khổ vì bị ngứa vết rạn khiến không thể nào ngủ nổi. Không thể thay đổi tác động của nội tiết tố, các mẹ có thể bôi các loại gel an toàn như dầu ô liu, vitamin E để nuôi dưỡng, uống thuốc giảm ngứa theo chỉ định của bác sĩ.
Thêm nữa, một cách để phòng tránh rạn hiệu quả trong thời kỳ mang thai, thời kỳ dậy thì hay bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời là kiểm soát cân nặng hợp lý. Trong thai kỳ, các mẹ chỉ nên tăng cân trong khoảng từ 10 – 12kg mà thôi. Việc kiểm soát cân nặng không những phòng tránh rạn da mà còn giúp mẹ bầu tránh các bệnh liên quan đến tăng huyết áp trong thai kỳ và quan trọng nhất là tránh tiểu đường thai kỳ.
Nhìn chung, rạn da bụng khiến cho vẻ đẹp của làn da chúng ta giảm đi đáng kể. Có rất nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị rạn da và có hiệu quả nhất định. Mỗi người trong chúng ta sẽ phù hợp với phương pháp điều trị rạn da khác nhau.
Tuy nhiên, dù bạn chọn phương pháp nào, bạn cũng cần phải tham khảo ý kiến của chuyên gia trong ngành, đặc biệt là những chuyên gia về thẩm mỹ. Phòng khám Dr Định Y Dược sở hữu đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm trong việc điều trị các vấn đề liên quan đến rạn da bụng và luôn lắng nghe, chia sẻ và tìm ra đáp số trong bài toán điều trị rạn da bụng của bạn.
Tài liệu tham khảo:
- Chuyên gia tạo hình vòng 2 – Dr Định Y Dược
- Cập nhật rạn da và các phương pháp điều trị khác nhau, tạp chí Phẫu thuật da liễu số 35 phần 4, trang 563 – 573
- Điều trị tại chỗ các vết rạn da chủ đạo cho dạng Rubrae và Albae, tạp chí Học viện da liễu và hoa liễu Châu Âu, số 30 phần 2, trang 211 – 222
- Điều trị rạn da bằng laser nhuộm xung, tạp chí Phẫu thuật da liễu số 22 phần 4, trang 332-337
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/ran-da-nguyen-nhan-hinh-thanh-cach-dieu-tri/